Chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao năng lực bộ máy khi tinh giản biên chế

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực của bộ máy hành chính nhà nước khi thực hiện tinh giản biên chế.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực của bộ máy hành chính nhà nước khi thực hiện tinh giản biên chế

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 của ngành nội vụ, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra chiều 20/12, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chuyển đổi số giúp chúng ta “minh bạch hơn, đàng hoàng hơn, tử tế hơn, tự hào về mình hơn”.

Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ là một trong những đơn vị tích cực áp dụng chuyển đổi số theo Đề án 06; tập thể lãnh đạo đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; phân công công việc khoa học, có định lượng, có đánh giá định kỳ mạch lạc… khiến công việc của Bộ “rất chạy” trong năm qua.

Cùng với chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tính đến việc đổi mới công tác tuyển dụng, gắn với chính sách đãi ngộ nhân tài để nâng cao năng lực bộ máy của cơ quan, đơn vị mình.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong xây dựng, ban hành theo thẩm quyền, trình ban hành một khối lượng lớn các văn bản trong năm 2024, trong đó chỉ riêng Luật Thi đua-Khen thưởng cần ban hành 10 nghị định và 20 thông tư, bảo đảm chất lượng tốt nhất, hạn chế phải sửa đổi, bổ sung sau khi đã ban hành.

Các đại biểu tham dự hội nghị

 

Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu phải tập trung hoàn thành xây dựng và phê duyệt tất cả các đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024 để quý II tập trung làm phương án trả lương, áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Dù đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi kéo theo sự chuyển đổi về bộ khung và cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Phó Thủ tướng mong các bộ, ngành, địa phương cố gắng, nỗ lực cao nhất để hoàn thành phê duyệt các đề án vị trí việc làm, bảo đảm tuân thủ những nguyên tắc chung trong các nghị quyết của Trung ương, đồng thời phải linh hoạt, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tăng cường kết nối để kịp thời giải đáp, hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm đúng thời hạn, có thể bằng nhiều hình thức như thiết lập đường dây nóng, hội nghị, hội thảo, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội…

Một việc khó khăn, nhạy cảm nữa, theo Phó Thủ tướng, là ngành nội vụ phải hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong năm 2024 theo Nghị quyết 117/NQ-CP của Chính phủ để kịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nội vụ phải làm tốt công tác tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là phải dự báo cho được tình hình, phải có giải pháp ứng xử kịp thời với những tình huống xấu xảy ra; làm tốt công tác thi đua khen thưởng, bởi khi động viên đúng chỗ, đúng nơi sẽ có tác dụng động viên, khích lệ rất lớn và ngược lại.

Phó Thủ tướng mong Bộ Nội vụ chú trọng chăm lo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận bằng nhiều nhiều hình thức khác nhau, trong đó đào tạo nội bộ, trao truyền kinh nghiệm có ý nghĩa rất quan trọng bởi nghề nào cũng phải học, đặc biệt công tác nội vụ rất nhạy cảm, liên quan đến vị trí chính trị, chính sách, chế độ của cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Thấu hiểu những khó khăn, phức tạp, nhạy cảm trong công tác nội vụ, Phó Thủ tướng tin tưởng với tinh thần việc gì khó nếu quyết tâm vẫn làm được, có đi mới có đến, ngành nội vụ sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2024./.

Nguồn: Baochinhphu.vn

Bài trướcChuyển đổi số từ cấp xã, phường để nâng cao chất lượng phục vụ người dân
Bài tiếp theoKế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ với thanh niên năm 2024