Thực hiện công tác chuyển đổi số, cùng với các cơ quan, đơn vị, hiện nay các phường, xã trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
riển khai thí điểm chuyển đổi số tại 08 đơn vị cấp xã
Từ tháng 6/2023, tỉnh Bắc Kạn thực hiện triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 08 đơn vị cấp xã gồm: phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn; xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông; xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể; xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; xã Như Cố, huyện Chợ Mới; xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; xã Côn Minh, huyện Na Rì; xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm theo Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 14/6/2023 của UBND tỉnh về việc thí điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại 08 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Phát huy kết quả đã đạt được từ việc triển khai các nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin cơ sở từ năm 2022 trở về trước, việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã đã được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên 03 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Việc xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại các xã nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Các đơn vị đã huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc nhằm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra, trọng tâm là việc đẩy mạnh hoạt động của chính quyền lên môi trường số, tích cực thực hiện Đề án số 06 về xây dựng và phát triển cơ sở quốc gia về dân cư, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông vào sản xuất và đời sống.
Ghi nhận từ cơ sở
Xã Như Cố thuộc huyện Chợ Mới là 1 trong 8 xã thí điểm về chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn. Triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số, xã đã đạt được những kết quả đáng mừng. Hiện nay 100% cán bộ, công chức UBND cấp xã sử dụng tương đối tốt các phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số chuyên dùng, thư điện tử công vụ. Ứng dụng có hiệu quả phần mềm ký số văn bản tích hợp trong hệ thống phần mềm QLVB&HSCV để điều hành và giải quyết công việc trên môi trường mạng, đảm bảo các văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử được ký số theo quy định (trừ các văn bản mật). Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng đạt tỷ lệ trên 90%. Đến thời điểm hiện tại đơn vị đã được trang bị đầy đủ chứng thư số chuyên dùng của tổ chức và cá nhân. Hiện nay UBND xã đã được bố trí 01 hệ thống Hội nghị truyền hình họp trực tuyến được kết nối xuyên suốt từ cấp xã, cấp huyện cấp tỉnh và Trung ương.
Trên địa bàn xã có 11/11 thôn đã thành lập tổ Công nghệ số Cộng đồng, mỗi tổ gồm 09 thành viên, do đồng chí Bí thư Đoàn thanh niên xã làm tổ trưởng. 02 HTX đăng ký ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm và kế toán HTX đó là: Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố (Thôn Nà Chào – Như Cố); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Như Cố (Thôn Nà Chào – Như Cố). Số lượng hợp tác xã trên địa bàn đưa các mặt hàng kinh doanh lên sàn thương mại điện tử: Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố (12 sản phẩm).
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến đạt 70%. Tỷ lệ người dân 15 tuổi trở lên trên địa bàn có tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 70%. Số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 70%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 40%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt 20%. Số lượng người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 20%.
Triển khai thực hiện chuyển đổi số trên 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hiện nay xã đang tích cực triển khai theo lộ trình kế hoạch. Trong đó, xác định tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông (trạm BTS, các tuyến truyền dẫn băng rộng) đảm bảo phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và internet băng rộng đến trung tâm xã và 100% các thôn trên địa bàn xã. Nâng cấp, bổ sung hệ thống thiết bị CNTT, máy tính để đảm bảo cấu hình, yêu cầu của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức tại UBND xã; đảm bảo 100% các máy tính của cán bộ, công chức tại UBND xã được cài đặt phần mềm diệt virut.
Triển khai các nhiệm vụ xây dựng kinh tế số, xã hội số, xã xác định tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh trong sử dụng DVCTT và các ứng dụng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp cận, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, rà soát danh mục các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã để xây dựng thương hiệu, triển khai dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm các thủ tục pháp lý theo quy định; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước như: Voso, Postmart, Backanmarket.vn… để giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu và bán sản phẩm. Đào tạo các nhóm “Công dân số” (chủ yếu là các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các thôn) biết truy cập mạng Internet, sử dụng máy tính, các nền tảng số, mạng xã hội thành thạo để tìm kiếm thông tin, quảng bá các sản phẩm thương mại và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công, bán hàng, kinh doanh, hóa đơn tiền điện, các dịch vụ khác. Phối hợp với các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn triển khai các hình thức thanh toán điện tử, gồm: Thanh toán bằng thẻ, ví điện tử và thanh toán bằng điện thoại thông minh cho người dân. Tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn cho người dân sử dụng các phương thức/dịch vụ thanh toán điện tử an toàn, tin cậy trong giao dịch hàng hóa.
Để nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số cấp xã
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt bởi đồi núi, do vậy thực hiện CĐS thành công càng có ý nghĩa quan trọng, vì chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, xác định lấy người dân là chủ thể trong CĐS. Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để thực hiện chuyển đổi số, Bắc Kạn xác định phải dựa vào điều kiện và nguồn lực thực tế để đưa ra các mục tiêu, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm phù hợp.
Cùng với việc triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã, thời gian qua, Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân trưởng thành nói chung và các hộ gia đình nói riêng đang sinh sống tại 8 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận với các ứng dụng về thông tin và khoa học công nghệ, các dịch vụ công trực tuyến, qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, kịp thời cập nhật các thông tin tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử… từng bước hình thành “xã hội số”, “công dân số”.
Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, Quỹ phát động quyên góp, ủng hộ Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023 đã nhận được sự đóng góp của 43 cơ quan, đơn vị (trong đó có 37 đơn vị ủng hộ tiền mặt, 06 đơn vị ủng hộ máy điện thoại) và 35 cá nhân. Tổng số tiền tiếp nhận là hơn 460,9 triệu đồng và 176 chiếc điện thoại thông minh. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các đợt bàn giao cho UBND các huyện, thành phố. Các địa phương cũng đã trao điện thoại thông minh trực tiếp cho người dân thụ hưởng.
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất.
Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính; tập trung hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc giải quyết thủ tục hành chính, qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, mà còn tiết kiệm được thời gian, công sức cho người dân.
Các hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Trên địa bàn tỉnh có 36 máy ATM, 75 thiết bị POS được lắp đặt tại thành phố Bắc Kạn và khu vực trung tâm các huyện cho phép khách hàng gửi tiền trực tuyến, rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn. Phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân tiếp tục được duy trì hoạt động tại 119 đơn vị gồm đơn vị quản lý, bệnh viện và các Trạm Y tế xã; 100% hồ sơ sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống…
Bên cạnh kết quả đạt được, nguồn lực đầu tư của phường, xã dành cho chuyển đổi số còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ tuy đã được quan tâm đầu tư xong chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ. Hệ thống máy tính của phường, xã còn thiếu và chưa đồng bộ; phần lớn có cấu hình thấp, chỉ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tin học cơ bản; không tương thích khi cài đặt các phần mềm ứng dụng chuyển đổi số. Năng lực tham mưu đề xuất triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã của một số cán bộ, công chức còn hạn chế. Mặt bằng kinh tế – xã hội tại các địa phương chưa đồng đều, một số phường, xã chưa xác định được sản phẩm chủ lực, đặc trưng dẫn đến khó khăn trong việc triển khai mục tiêu phát triển kinh tế số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số cấp xã, phường là cách tiếp cận gần dân nhất, để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Mục tiêu chính là nhằm từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân và địa phương. Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến các cơ sở xã, phường, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp, đưa công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển của kinh tế – xã hội tại địa phương./
Nguồn: https://chuyendoiso.backan.gov.vn