Thời gian qua, nội dung câu chuyện chuyển đổi số được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số đã và đang là nhiệm vụ quan trọng của mọi cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong tài liệu này sẽ cung cấpthông tin cơ bản về chuyển đổi số, những hoạt động nổi bật về chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn và vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số.
- PHẦN THỨ NHẤT: NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
- Chuyển đổi số là gì?
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Có thể hình dung như sau: Người dân đi chợ mua hàng và thanh toán bằng tiền mặt thì chưa gọi là chuyển đổi số. Nhưng người dân đặt hàng qua mạng, có dịch vụ vận chuyển đến tận nhà, người dân thanh toán bằng cách chuyển khoản qua ứng dụng của ngân hàng cài đặt trên điện thoại. Đó chính là chuyển đổi số trong đời sống hàng ngày. Các cháu học sinh trước đây học tập thì bắt buộc phải đến trường, đến lớp thì khi chuyển đổi số đã có thể học trực tuyến, học qua mạng với chỉ một chiếc điện thoại thông minh…
Như vậy có thể thấy, chuyển đổi số đang diễn ra trong cuộc sống của bà con mình, mà có thể bà con chưa biết gọi tên đó là chuyển đổi số mà thôi. Và thực ra, chúng ta có cảm giác rằng chuyển đổi số là một hiện tượng mới, một vấn đề mới nổi trong ít năm gần đây. Tuy nhiên, thực tế là chuyển đổi số đã tồn tại và xuất hiện từ rất lâu dưới các hình thức khác nhau.
Ví dụ về ngành đồng hồ. Nhắc đến đồng hồ, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ, đồng hồ cơ. Nhưng từ cuối những năm 60, những chiếc đồng hồ kỹ thuật số đã bắt đầu xuất hiện và hiện nay đang được hầu hết con người sử dụng.
Ví dụ khác trong ngành chụp in ảnh. Chúng ta từng thấy hãng máy ảnh Kô – đắc (Kodak) chiếm lĩnh thị trường, nhưng từ cuối những năm 1980, chúng ta bắt đầu thấy xuất hiện máy ảnh kỹ thuật số, và đến nay, việc chụp ảnh vô cùng đơn giản chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh.
Và nói đến điện thoại, bà con chúng ta hẳn hình dung ra tiến trình phát triển của nó. Những năm 1990, chúng ta chỉ thấy các “cục gạch” – tức là những chiếc điện thoại đen trắng, to, bàn phím nổi. Nhưng từ những năm 2000, điện thoại thay đổi, đó là những thiết bị cảm ứng, bộ xử lý, bộ nhớ tăng mạnh mẽ, chức năng đa dạng, tích hợp hầu hết những thứ chúng ta cần trong công việc, cuộc sống và giải trí.
Những ví dụ trên đây, chính là những ví dụ đơn giản về chuyển đổi số. Với sự phát triển trong nhận thức, tư duy của con người, và sự kết hợp của công nghệ, ngày nay, chuyển đổi số càng có cơ hội để bùng nổ và phát triển hơn, trở thành 1 phần tất yếu của cuộc sống, không chuyển đổi, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau bởi sự vận động không ngừng của nó.
- Vậy, lợi ích của chuyển đổi số như thế nào để nó trở thành xu thế mà mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp và mọi người dân cần quan tâm và thực hiện?
Xét trên góc độ hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm, có thể thấy được nhiều lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Tại cấp tỉnh, huyện, xã, chuyển đổi số thực hiện trên 3 trụ cột: Chính quyền số – Kinh tế số – Xã hội số.
Vậy chính quyền số là gì?
Là chính quyền có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn.Cụ thể:
Nếu trước đây, muốn giải quyết thủ tục hành chính, bà con phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nhận phiếu theo thứ tự và chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ để xử lý. Nhưng nay, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, lực lượng công an tăng cường hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng Ứng dụng Định danh điện tử công dân VNeID. Việc sử dụng ứng dụng có thể thay thế thẻ căn cước công dân gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
- Kinh tế số là gì?
Kinh tế số gồm ngành công nghiệp công nghệ số, ngành công nghiệp viễn thông, ngành bán hàng hóa dựa trên các nền tảng công nghệ số mà ta vẫn gọi là thương mại điện tử, ngành bán dịch vụ dựa trên các nền tảng số mà ta vẫn gọi là kinh doanh số như dịch vụ đặt phương tiện giao thông, dịch vụ đặt nhà hàng, khách sạn.
Có thể hình dung như sau:
Mùa bí xanh vừa rồi, bà con có được xem livestream nghệ sỹ Xuân Bắc và nghệ sỹ Tự Long livestream bán bí xanh ủng hộ bà con huyện Ba Bể không ạ? Nhờ vậy mà hơn 20 ngàn tấn bí xanh thơm Ba Bể đã được người dân khắp cả nước biết đến và đặt mua thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Và cũng nhờ một phần từ các sàn thương mại điện tử ấy như Shopee, Lazada, Tiki …. mà những sản phẩm miến dong Nhất Thiện, Côn Minh, sản phẩm bí thơm Ba Bể, hình ảnh của khu du lịch hồ Ba Bể … từ các làng bản nhỏ của 1 tỉnh miền núi như Bắc Kạn chúng ta đã đi đến toàn quốc và ra cả thị trường các nước châu Âu, châu Á.
Nếu như trước đây, bà con mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, bà con có thể bán hàng qua mạng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới (bán hàng qua các chợ điện tử, mạng xã hội như facebook, zalo…). Đó là một trong những lợi ích của kinh tế số – mang đến thị trường, lợi nhuận lớn hơn rất nhiều cho nhà kinh doanh.
- Xã hội sốlà gì?
Với mỗi người dân, cuộc sống với nhiều tiện ích hơn là quan trọng hơn cả. Và xã hội số sẽ góp phần thúc đẩy cuộc sống phát triển theo chiều hướng đó. Cuộc sống thuận tiện hơn khi chúng ta mua hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến; nộp tiền điện, tiền nước, tiền học phí … trực tuyến mà không cần tạm dừng công việc khác để đến các chi nhánh điện lực, đến điểm thu tiền nước xếp hàng thanh toán, …Xã hội có công dân số tham gia vào quá trình y tế số, giáo dục số, giao tiếp xã hội trên môi trường số như vậy chính là xã hội số.
Công dân số: Là công dân có khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Bắc Kạn phấn đấu mỗi người dân phải có 1 điện thoại thông minh, 1 tài khoản dich vụ công trực tuyến, 1 tài khoản VNeID, 1 tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, biết cách khai thác thông tin có ích trên mạng… để tham gia an toàn vào môi trường số hiện nay.
Y tế số: khám chữa bệnh từ xa, phân tích, giải mã bản đồ gene để từ đó cung cấp thuốc men và dịch vụ y tế được cá thể hóa cho mỗi người dân… (phần này hơi khó hiểu và khó triển khai hiện nay, nên thay nội dung khác, ví dụ nông nghiệp thông minh…)
Giáo dục số: nghe giảng bài trực tuyến, trao đổi bài trực tuyến, Tích hợp công nghệ vào quy trình giảng dạy, học tập của các em học sinh, sử dụng sổ liên lạc điện tử hoặc các ứng dụng khác để trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh….…
Cụ thể:
Nếu như những năm 2000 trở về trước, nhiều gia đình muốn con em học giỏi, đỗ đạt thì bố mẹ có khi chọn cách gửi con đi học, luyện thi tập trung ở tận Thái Nguyên hay Hà Nội thì nay một học sinh cấp 3 ở Bắc Kạn có thể được học ôn thi đại học trực tuyến với những thầy giáo giỏi nhất ở Hà Nội giống như học sinh cấp 3 ở Hà Nội qua nền tảng học trực tuyến.
Nếu như quan niệm trước đây cho rằng đã học thì phải đến trường, thì nay tỷ lệ kiến thức được truyền thụ trực tuyến sẽ tăng dần lên. Thậm chí, trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh, 100% là học trực tuyến.
Đó chỉ là một lĩnh vực về giáo dục, còn vô vàn những tiện ích khác, ví dụ như y tế, thông qua việc thăm khám bệnh từ xa, bà con ở các thôn bản vùng cao của Bắc Kạn hoàn toàn có thể được các bác sỹ giỏi ở bệnh viện hàng đầu tuyến Trung ương tư vấn và điều trị thông qua các ứng dụng khám chữa bệnh trên mạng internet.
- Vậy chuyển đổi số là việc của ai?
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, chính là cuộc cách mạng của toàn dân. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số chính là để phục vụ đời sống của người dân được tốt đẹp hơn. Bởi vậy, chuyển đổi số là việc của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan tổ chức, mỗi doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.
- PHẦN THỨ HAI: MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NỔI BẬT CỦA TỈNH BẮC KẠN NĂM 2023
Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đang nỗ lực để hỗ trợ, thúc đẩy cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẵn sàng với chuyển đổi số và chủ động tham gia vào từng hoạt động chuyển đổi số. Tỉnh đã ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đối số; hoạt động của các cơ quan nhà nước được vận hành tối ưu dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như: Y tế, giáo dục, giao thông,…
Trong phát triển chính quyền số: Các cơ quan nhà nước triển khai sử dụng các phần mềm, tạo lập các cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc. Ví dụ như triển khai hệ thống các trang/cổng thông tin điện tử, mà tại đây, người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu mọi thông tin, hoạt động, văn bản quy định của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; như triển khai trang dịch vụ công trực tuyến để cung cấp toàn bộ thông tin về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, mức phí/lệ phí của 100% thủ tục hành chính của toàn tỉnh… Đồng thời, hoàn thiện về hạ tầng số (như phủ sóng mạng viễn thông, mạng internet, thúc đẩy triển khai mạng internet đến các hộ gia định …); tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số; …
Trong phát triển kinh tế số, tỉnh thúc đẩy việc đưa các sản phẩm nổi bật của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong quy trình sản xuất, quản lý, kinh doanh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp số của tỉnh như Viettel, VNPT, … phát triển, hoạt động ổn định; … Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động kinh tế số của tỉnh còn nhiều hạn chế: các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa ứng dụng đồng bộ chuyển đổi số trong hoạt động, chủ yếu tập trung vào việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhưng chưa triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số trong khâu sản xuất, quản lý; tỉnh có rất ít doanh nghiệp công nghệ số như Viettel, VNPT, …
Trong phát triển xã hội số, tỉnh hiện tập trung Phổ cập ứng dụng kỹ năng số trong cộng đồng và từng bước xây dựng môi trường đào tạo kỹ năng số; Ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục, y tế, giao thông vận tải – logistic, du lịch… để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.
Thực hiện những nhiệm vụ trên, trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện một số hoạt động cụ thể như:
- 1. Triển khai Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” được chính thức diễn ra từ 01/7/2023 – 10/10/2023.
- Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn: Phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn; Xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông; Xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể; Xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; Xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; Xã Côn Minh, huyện Na Rì; Xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm; xã Như Cố – huyện Chợ Mới.
- Phát động quyên góp, ủng hộ Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023. Tổng số tiền tiếp nhận là 460triệu691 nghìn 973 đồng và 176 chiếc điện thoại thông minh. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các đợt bàn giao cho UBND các huyện, thành phố. Các địa phương cũng đã trao smartphone trực tiếp cho đối tượng người dân thụ hưởng.
- Các Hội nghị tập huấn chuyển đổi số cho Đoàn viên, thanh niên, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện/thành phố.
- Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn” năm 2023 diễn ra từ ngày 10/9/2023 đến hết ngày 30/9/2023 đã thu hút sự tham gia của 21.217 người dự thi, trong đó: CBCCVC, lực lượng vũ trang: 19.146; Nhân dân trên địa bàn: 2.071, chiếm 6,54% dân số tỉnh. Số người trả lời đúng cả 30 câu hỏi: 2.281. Kết quả, có 21 tập thể và 62 cá nhân đạt giải.
- Phổ cập, truyền thông bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) thông qua việc hiển thị bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.
- Tổ chức ngày hội phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm dịch vụ số được tổ chức tại các địa phương, nổi bật như Ngày hội chuyển đổi số đã được tổ chức tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, xã Côn Minh, huyện Na Rì, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm…
- Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2023 quy mô 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
- Triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nhằm tối ưu hóa, hiện đại hóa, minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước.
III. MỘT SỐ KỸ NĂNG ĐẢM BẢO AN TOÀN THÔNG TIN CHO NGƯỜI DÂN TRÊN MÔI TRƯỜNG SỐ
Thưa toàn thể bà con! Song song với việc chuyển đổi số, có 1 vấn đề mà bà con cần cực kỳ lưu ý , đó là các kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, để tránh bị lừa đảo trên môi trường internet hay thông qua điện thoại.
An toàn thông tin là trạng thái bảo vệ thông tin khỏi những nguy cơ
có thể gây mất mát, hư hỏng, thay đổi, tiết lộ hoặc truy cập trái phép.
An toàn thông tin là một vấn đề quan trọng đối với tất cả các tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân sử dụng hệ thống thông tin …
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết không gian mạng Việt Nam đang tồn tại 03 nhóm lừa đảo chính, gồm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp.
Các nhóm này xuất hiện dưới 24 hình thức, trong đó có một số hoạt động nở rộ thời gian qua như sử dụng cuộc gọi video lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% (so với cùng kỳ năm ngoái); tăng 37,82% (so với 6 tháng cuối 2022).
Để bảo đảm an toàn thông tin, tránh bị lừa đảo tham gia trên môi trường mạng, Bộ Công an khuyến cáo bà con cần lưu ý một số kỹ năng cơ bản như sau:
- Người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
- Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội.
- Người dân cũng cần thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
======================================
Thưa toàn thể bà con! Chuyển đổi số chính là để phục vụ cuộc sống của bà con được tốt hơn. Vậy bà con cần chuẩn bị gì cho công cuộc chuyển đổi số đang được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh?
Thứ nhất: Không ngừng học hỏi mỗi ngày nhằm nâng cao kỹ năng số cho bản thân. Hiện nay, việc học hỏi sẽ rất thuận tiện qua điện thoại, qua máy tính, qua rất nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan, tổ chức. Chủ động tạo tài khoản và nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến; tham gia mua, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Thứ hai: Cả việc chủ động học hỏi lẫn nhau cũng sẽ giúp ích vô cùng, do đó nếu có điều chưa biết, hãy tìm hiểu, học hỏi và học từ những người xung quanh, từ những gì đã có sẵn, được chia sẻ từ những địa chỉ tin cậy; nếu có điều gì đã biết, đã tâm đắc, hãy hướng dẫn, chia sẻ với những người xung quanh. Người trẻ hướng dẫn người già và trẻ em. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết. Qua đó, mỗi người dân, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng và chủ động trong việc hòa nhập cuộc sống trên không gian số.
Thứ ba: Chủ động và tích cực thay đổi cách sống, cách làm việc, cách sản xuất kinh doanh trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số hiện nay để nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng công việc, chất lượng hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng như trong mọi hoạt động sống: Mỗi người dân hãy ứng dụng nhiều hơn các ứng dụng số như VNeID, thanh toán điện tử; hợp tác xã, doanh nghiệp hãy xây dựng chiến lược và kế hoạch nhằm ứng dụng các công nghệ hiện đại từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến quản lý, kinh doanh qua các kênh thương mại điện tử phù hợp, tận dụng tối đa mạng internet để quảng bá hình ảnh sản phẩm, dịch vụ…
Thứ tư: Hiểu biết và luôn thận trọng nhằm tự bảo vệ thông tin cá nhân an toàn trên không gian mạng.
Mỗi người dân tỉnh Bắc Kạn hãy phấn đấu trở thành một “Công dân số”; chủ động nâng cao nhận thức; chuyển đổi một cách tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa treen công nghệ số. Tiếp tục nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số, chung tay góp sức xây dựng Chính quyền số tỉnh Bắc Kạn, thúc đẩy phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số với mục tiêu lấy người dân là trung tâm Từ đó góp phần tích cực vào công cuộc Chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn và Chuyển đổi số quốc gia. /.